Người tạo chủ đề

REPOWER.VN

Bất đồng quanh chính sách 'Made in America' của ông Biden

Chính sách "Made in America" của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xung đột với các mục tiêu khí hậu của chính ông, khiến các ngành tranh cãi nhau.

Để thực hiện chính sách "Made in America", đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của ông Joe Biden đã mở ra một loạt các khoản giảm thuế và trợ cấp để sản xuất năng lượng sạch, xe điện và phát triển công nghệ carbon thấp. Nhiều ưu đãi yêu cầu các công ty tìm nguồn nguyên liệu ngay tại Mỹ.

Tuy nhiên, tranh luận giữa các nhà lập pháp với nhà sản xuất và giữa các ngành với nhau gần đây sôi nổi. Trong tuyên bố mới nhất, United Steelworkers - liên minh các nhà sản xuất thép lớn nhất tại Mỹ chỉ trích đề xuất của Bộ Tài chính với khoản ưu đãi cho các dự án năng lượng sạch.

Cụ thể, vấn đề đang làm cho ngành thép băn khoăn là việc Bộ Tài chính phân loại các thiết bị theo dõi quang điện (photovoltaic tracker), được dùng để xoay các tấm pin theo chuyển động của mặt trời. Trong hướng dẫn được công bố vào tháng 5, bộ xác định những thiết bị này là một "sản phẩm sản xuất," có nghĩa là chúng có thể bao gồm các kim loại nước ngoài và vẫn có thể đủ điều kiện nhận được khoản tín dụng ưu đãi 10%.

Ông Joe Biden đi ngang qua các tấm pin mặt trời ở New Hampshire, Mỹ vào 4/6/2019. Ảnh: Reuters

Ông Joe Biden đi ngang qua các tấm pin mặt trời ở New Hampshire, Mỹ vào 4/6/2019. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà sản xuất thép muốn thiết bị này phải được xem là "sản phẩm sắt thép", tức phải dùng thép tại Mỹ mới đủ điều kiện nhận ưu đãi. "Việc phân loại các hệ thống theo dõi quang điện là sản phẩm sản xuất sẽ cho phép nhiều thành phần kết cấu thép của các dự án năng lượng mặt trời mới ở Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc", tuyên bố của United Steelworkers lập luận.

 

Trung Quốc là nhà cung cấp chính của nhiều sản phẩm năng lượng sạch, đồng thời là nhà sản xuất thép lớn nhất toàn cầu hiện nay. Chính quyền Biden đang tìm cách giảm phụ thuộc của Mỹ vào Trung Quốc trong các lĩnh vực quan trọng, nhưng đôi khi mục tiêu của họ mâu thuẫn khi đưa ra các điều kiện ưu đãi chi tiết trong IRA.

"Nếu hướng dẫn đề xuất của Bộ Tài chính được chốt thì nó sẽ gây thiệt hại đáng kể cho các nhà sản xuất thép nội địa của Mỹ, gây rủi ro cho 1,5 triệu tấn sản lượng và gây nguy hiểm cho sinh kế của hàng triệu người Mỹ phụ thuộc vào ngành của chúng tôi", Liên minh tuyên bố.

Ngược lại, Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời, đại diện cho các công ty phát triển trang trại năng lượng mặt trời tại Mỹ, ca ngợi hướng dẫn của Bộ Tài chính. Giám đốc điều hành của hiệp hội cho biết cách tiếp cận này sẽ "kích thích một làn sóng đầu tư vào các thiết bị và linh kiện năng lượng sạch do Mỹ sản xuất".

Giảm lượng khí thải carbon cũng là một ưu tiên của chính quyền Biden. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc thường rẻ hơn, vừa túi tiền với các công ty năng lượng sạch tại Mỹ. Ngoài ra, những quy định về nguồn cung nội địa cũng làm lo lắng các đồng minh của Mỹ ở châu Âu và châu Á. Họ cho rằng các khoản trợ cấp cho các linh kiện sản xuất tại Mỹ sẽ gây tổn hại đến sản phẩm của họ.

Giữa hai luồng ý kiến, Kevin Book, Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners đánh giá Nhà Trắng trước đây nghiêng về hướng khử cacbon hơn nhưng giờ đang cố gắng cân bằng cả hai mục tiêu là thoát phụ thuộc Trung Quốc và đồng thời phát triển năng lượng sạch.

"Chúng tôi sẽ sàng lọc và xem xét các kiến nghị nhận được, nhưng về mặt định hướng, chúng tôi đang thấy các công ty đưa ra quyết định đầu tư vào Mỹ để tiếp cận với sự gia tăng sản xuất tại chỗ", Thứ trưởng Tài chính Wally Adeyemo nói.

Một cuộc "cãi nhau" khác liên quan đến trợ cấp cho ôtô điện. Theo đó, để người mua xe được nhận khoản trợ cấp 7.500 USD thì phần lớn khoáng chất trong pin của chiếc xe đó phải đến từ Mỹ hoặc nước có hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Tuy nhiên, nhiều đồng minh thân cận lại không có hiệp định thương mại tự do với Mỹ. Để giải quyết vấn đề đó, các quan chức chính quyền đã tạo ra một thỏa thuận đặc biệt với Nhật Bản về khoáng sản được sử dụng trong công nghệ năng lượng sạch và họ đang đàm phán với những nước khác các thỏa thuận tương tự.

Nhưng không phải ai cũng đồng ý với cách giải quyết này. Thượng nghị sĩ Joe Manchin, một chính trị gia trung dung rất quan trọng với việc thông qua luật khí hậu, đã nhiều lần chỉ trích việc Bộ Tài chính về chính sách ưu đãi cho xe điện, bao gồm việc xem Nhật Bản như một đối tác thương mại tự do.

Trong khi, các nhà sản xuất ôtô, bao gồm cả Ford và Motor thì tích cực vận động hành lang các cách giải thích lỏng lẻo hơn cho IRA để dễ tiếp cận trợ cấp. Họ kiến nghị rằng không có khoáng chất hoặc thành phần nào của pin xe điện được liên kết với một "thực thể nước ngoài đáng lo ngại", có khả năng bao gồm bất kỳ công ty Trung Quốc nào. Thực tế, Ford đã hợp tác với CATL (Trung Quốc) để xây dựng một nhà máy sản xuất pin ở Michigan.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây rằng các mục tiêu giảm khí thải và thúc đẩy sản xuất trong nước có thể khó triển khai cùng nhau. "Chúng ta muốn thấy nhiều xe điện chạy trên đường. Nhưng chuỗi cung ứng linh hoạt hơn rõ ràng cũng là một mục tiêu. Và đôi khi, hai điều này trở nên xung đột với nhau", bà nói.

Phiên An (theo WSJ)

Đã đăng trong Chính sách xanh vào July 29 at 11:48 AM

Bình luận (0)

Trở lại đầu trang
English Viet Nam